Lược Dịch: Seiko “Đầu-Bò” Sưu-Tập Chỉ-Nam
Seiko “Đầu-Bò” mã 6318-0040 được giới thiệu vào năm 1969 trong bộ sưu tập “Seiko 5”.
Theo trang chủ của Seiko, dòng kí tự “5 Sports” biểu trưng cho 5 đặc tính dễ nhận biết nhất của dòng này gồm có:
- Cót chính bất-khả-phá (diaflex)
- Chống sốc (diashock)
- Chống nước
- Lịch ngày / thứ.
- Máy tự động.
Với giá thành phải chăng, hiệu năng tốt, Seiko cho ra đời rất nhiều mẫu mã nhằm nhắm tới thế hệ trẻ với lối sống năng động.
Lịch sử của Seiko “Đầu-Bò”
Vinh dự được là nhà cung cấp máy bấm giờ (time-keeper) chính thức của thế vận hội (Olympic) 1964 ở trên chính quê hương mình, hãng Seiko đã lập tức cho phát triển đồng hồ chronograph (đồng hồ bấm giây độ chính xác cao) đầu tiên của Nhật Bản, và sau đó đưa ra tiêu chuẩn chính xác của riêng mình mang tên “Grand Seiko Standard”. 05 năm sau Seiko thậm chí còn bước một bước đi dài hơn khi giới thiệu ra thế giới mẫu đồng hồ chronograph-tự động đầu tiên được sản xuất đại trà, mã 6139.
Kế tiếp thành công của tiền bối 6139, Seiko cho ra đời máy 6138. Hãng vẫn giữ nguyên các bộ phận như “column wheel” [1] và trục dọc (vertical coupling) và trở thành tiêu chuẩn chế tác đồng hồ của Seiko. Điều này có ý nghĩa rất lớn với làng sản xuất đồng hồ nó mang lại một tiêu chuẩn mới về sự chuẩn xác và tinh xác (precision) [2], trong suốt hơn 40 năm qua, thiết kế của Seiko đã trở thành “mẫu-mực” cho toàn bộ các hãng đồng hồ trên thế giới.
Sản Lượng:
Trong khoảng thời gian từ 1971 cho tới 1979, Seiko ra mắt 10 mẫu vỏ dành cho “kẻ tiên phong” 6138 gồm tổng cộng 18 biến thể. Nổi tiếng về độ tin cậy và rất hiếm khi cần phải bảo dưỡng, những chiếc đồng hồ Seiko này là thứ mà các nhà sưu tập đồng hồ cổ thèm muốn nhất, và chiếc Seiko “Đầu-Bò” 6138-0040 là dòng được kiếm tìm nhiều nhất. Có tên gọi “Đầu-Bò” là do núm nhấn bấm giây được thiết kế ở vị trí 12 giờ trông giống 2 cái sừng bò, người ta nói rằng thiết kế như vậy là còn giúp người dùng tránh bị ấn nhầm vào nút kích hoạt cơ chế bấm giây.
Thiết kế và các biến thể
Seiko “Đầu Bò” được bán ra với 2 màu, phiên bản màu nâu có mặt màu nâu đỏ và mặt chronograph màu vàng và phiên bản màu đen với mặt chronograph màu xanh steely (đanh thép?) tạo nên hiệu ứng màu đơn sắc. Cả 2 phiên bản đều là đồng hồ chronograph-tự động và được đóng mã lần lượt là 6138-0049 và 6138-0040, phụ thuộc vào thị trường bán ra. Thêm nữa, “Đầu-Bò” mặt nâu còn một phiên bản nữa được bán ở thị trường nội địa Nhật gọi là “Speed-Timer” và có tới 2 phiên bản “Đầu-Bò” Speed-Timer. Một loại ghi là “Seiko Speed-Timer” ở trên mặt đồng hồ, phiên bản còn lại ghi là “Seiko 5Sports Speed-Timbers”. Lưu ý rằng Seiko chưa từng sản xuất “Speed-Timer” màu đen.
Được sản xuất với số lượng lớn, “Đầu-Bò” không phải là một chiếc đồng hồ hiếm. Tuy nhiên, “Đầu-Bò” đã trở thành kinh điển do sự kết hợp của thiết kế hiện đại và được bán với một cái giá dễ chịu. Phát hành cùng năm với một đồng hồ thuộc hiếm có khó tìm nhất của dân sưu tập – Omega “Đầu-Bò”, Seiko 6138-0040 & 6138-0049 có thể dễ dàng đứng ngang hàng với Omega “Đầu-Bò” nếu xét về yếu tố kỹ thuật và tính năng.
Chi tiết và quy cách
Seiko là một trong số ít những hãng sản xuất đồng hồ tự sản xuất toàn bộ linh kiện trong suốt quá trình hoạt động của công ty. Máy Seiko 6138-0040 còn được trang bị 02 bằng sáng chế của Seiko, thứ nhất là dây cót chính của đồng hồ được chế tạo bởi loại hợp kim bất-khả-phá, thứ hai là hệ thống chống sốc (diashock) được phát triển bởi Seiko từ thập-niên 60. Toàn bộ 02 phát minh trên được áp-dụng cho toàn bộ những mẫu đồng hồ khác của Seiko sau này.
Máy
Máy 6138 được phát triển bởi Suwa Seikosha, một thương hiệu thuộc tập đoàn Seiko, biểu tượng Suwa được đặt ở gần vị trí 6 giờ trên mặt đồng hồ. Tuy được gọi là dòng kế nhiệm của máy 6139 nhưng cả 2 dòng máy này đều được sản xuất tời tận năm 1979. Tầm quan trọng của cả hai máy này (6138 và 6139) vẫn chưa được đánh giá đúng mực, chúng mang lại cho Seiko niềm vinh dự được trở thành nhà sản xuất máy đồng hồ bấm-giây tự-động kết hợp column wheel và cơ cấu trục dọc đầu tiên của thế giới. Có 02 phiên bản của máy 6138: 6138A có 21 chân kính và 6138B có 23 chân kính. Cả 2 phiên bản đều có chức năng bấm giây, lên cót tay và lịch ngày/thứ. Cả 2 máy A và B đều dày 7.9 mm và có đường kính 27.4mm điều này khiến cho máy có thể tính toán chính-xác tới ⅙ giây hay 21600 nhịp đếm mỗi giờ [3]. Việc sản xuất đại trà column wheel và cơ cấu trục dọc của Seiko đã trở thành mẫu mực trong việc sản xuất đồng hồ và thậm chí Rolex còn sử dụng thiết kế này để tạo ra máy của riêng mình sử dụng trong các mẫu Daytona trong suốt 3 thập kỷ (1960s-1990s), một minh chứng cho sự tiến bộ sáng tạo được Seiko mang đến cho toàn bộ hãng sản xuất đồng hồ trên toàn thế giới.
Hãng Sản Xuất | SEIKO |
---|---|
Kí hiệu máy | 6138B |
Năm sản xuất | 1969 -1970 / 1971 |
Đường kính vỏ | 44mm |
Chiều cao tối đa | 16mm |
Số chân kính | 21 hoặc 23 |
Nhịp đếm mỗi giờ | 21.600 nhịp mỗi giờ |
Kích cỡ cót chính | Seiko 401616 L 43.5 mmH 1.01mm Độ dày .10mm |
Ký hiệu | 6138B TWENTYONE 21 JEWELS |
Chống sốc | Có |
Tự lên cót | Có |
Chỉnh ngày thứ nhanh | Có |
Hiển thị ngày song ngữ | Có |
Mặt Đồng Hồ.
2 vòng tròn nhỏ ở trên mặt Seiko “Đầu-Bò” thể hiện bộ đếm 30 phút và 12 tiếng, kim lớn ở giữa quay 1 vòng hết 60 giây. Seiko 6138-0040 có số hiệu ghi ở 2 bên cột dọc của lịch ngày/thứ:
- Dòng chữ “Seiko Chronograph Automatic” (bản màu nâu hoặc đen) đều có số hiệu “6138-0060T”.
- Phiên bản nội địa nhật, dòng chữ “Seiko Speed-Timer” hoặc “Seiko 5Sports Speed-Timer”, có số hiệu lần lượt là “6138-0071T” hoặc “6138-0070T”.
Tất cả các phiên bản, các số trên mặt đều là số Ả-rập và kim đồng hồ làm giống một cây bút chì màu trắng. Kim bấm giây có dạ quang ở giữa làm dáng “hình chóp” màu trắng hoặc đen tùy vào phiên bản đồng hồ màu nâu hoặc đen. Kim đếm giây màu vàng ở phiên bản quốc tế và màu nâu sẫm ở phiên bản nội địa nhật. Vòng lịch ngày được viết bằng Hán-tự ở phiên bản nội địa còn phiên bản quốc tế được ghi bằng tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha.
Vỏ Đồng Hồ
Phong cách thiết kế vỏ của Seiko 6138-0040 là chế tác thép không gỉ đặc kết hợp với đánh bóng mờ, đánh bóng sáng và đánh bóng các cạnh. “Đầu-Bò” là một trong những chiếc đồng hồ lớn và cồng kềnh nhất được sản xuất bởi Seiko. Nó có đường kính tới 44mm và dầy 16mm. Nó cũng là chiếc đồng hồ dầy nhất của Seiko, dầy tới 15mm khiến cho nó khá là khó đeo nhất là khi bạn có ý định giấu nó dưới cổ tay áo sơ mi. Nắp sau của Seiko “Đầu-Bò” là tạng nắp ren xóay có in chữ “Seiko”, “water resistant”, và biểu tượng Suwa. Kích thước lớn lại càng làm cho “Đầu-Bò” tăng sức hấp dẫn nhưng lại khó tránh khỏi những xước sát thường nhật, rất ít mẫu không bị móp hoặc xước. “Đầu-Bò” được bán ra thị trường dưới danh nghĩa là đồng hộ lặn, nhưng với việc đặt núm bấm giây của mình ở vị trí 12 giờ, nó còn có thể sử dụng trong đua xe thể thao.
Mặt Kính
Mặt kính của 6138-0040 là kính cứng được sản xuất bởi Seiko, đây là loại kính cứng tinh thể tổng hợp và rất khó làm xước. Loại kính cứng này tiếp tục được Seiko sử dụng trong các mẫu PULSAR vàLORUS của mình.
Vòng BEZEL
Vòng bezel ngoài của Seiko 6138-0040 không xoay được [4]. Đáng chú ý là vòng bezel của “Đầu-Bò” được in 1 vòng tachymeter, đây là chức năng đo tốc độ dựa trên một khoảng cách cho trước (dùng trong đua xe thể thao). Phụ thuộc vào từng phiên bản mà vòng tachymeter có màu sắc khác nhau tuy nhiên tất cả các phiên bản đều được đánh số màu bạc ở vòng tachymeter.
Khuyến Nghị
Bài viết này mong muốn cung cấp các miêu tả chi tiết về đồng hồ Seiko 6138-0040 “Đầu-Bò”, và cũng như tất cả các đồng hồ cổ khác, có rất nhiều chiếc đồng hồ trôi nổi trên thị trường sử dụng các chi tiết, cơ phận nhái. Một trong những vấn đề mà đồng hồ Seiko cũ gặp phải là việc chống ẩm, nên đặc biệt cần lưu ý tới các dấu hiệu nấm mốc hay gỉ set, nhất là ở trong vỏ và ren của nắp lưng. Nên nhớ rằng giá trị của đồng hồ cổ phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng, tất nhiên là vô cùng khó để tìm thấy một chiếc Seiko “Đầu-Bò” nguyên bản chưa bị xước sát nhiều vì chúng quá to để tránh khỏi các va chạm vật lý. Cũng nên nhớ rằng dây đồng hồ “zin” của bản quốc tế là thép gập xương cá trong khi bản nội địa là kiểu vỏ sò. Tất cả các phiên bản đều có dây phình to ở phía gắn vào đồng hồ và thuôn nhỏ đều về phí đáy, nhằm tăng tính tỷ lệ cho phần mặt đồng hồ. Một trong những cách dễ nhất để kiểm tra xem dây có phải là “zin” hay không là xem tỉ lệ của dây với mặt đồng hồ.
Hạng Nhập Môn
Sự khác biệt chủ yếu các phiên bản Seiko 6138-0040 là ở phần vỏ tùy theo thị trường bán ra. Tuy nhiên người mới sưu tầm Seiko “Đầu-Bò” nên nhập môn với một chiếc nội địa nhật “Speed-Timer”. Phiên bản nội địa Nhật kém hơn phiên bản quốc tế ở chỗ không có dạ quang trên kim. Phiên bản “Speed-Timer” cũng được coi là kém hơn với chính người anh em nội địa của mình, phiên bản “5Sports”.
Một số thứ khác nữa
Với tổng cộng 3 phiên bản màu nâu, bản quốc tế Chronograph Automatic” và “5Sports Speed-Timer” được đánh giá gần như ngang nhau, chỉ có duy nhất bản quốc tế màu nâu mới được đánh mã “6138-0049”. Và cũng chỉ có một phiên bản được ghi “5Sports” trên mặt đồng hồ.
Hạng dân chơi
Seiko 6138-0040 được sản xuất với sản lượng lớn vào thập niên 70, nên lựa chọn tốt nhất là mua 1 chiếc NOS (new old stock – hàng nguyên đai nguyên kiện), với một chiếc đồng hồ nổi tiếng như “Đầu-Bò”, NOS rất dễ được người quản lý kho để mắt và bán ra khá thường xuyên (không biết bài này viết năm bao nhiêu nữa …). Đầu tư thời gian và một chút may mắn, bạn có thể tìm thấy những chiếc đồng hồ vô cùng giá trị và nếu bạn thực sự nghiêm túc về việc sưu tầm chiếc đồng hồ này, NOS là cách duy nhất.
Cẩn thận đồ nhái!
Cần nhắc nhở một chút, có vô vàn “Đầu-Bò” nhái trôi nổi trên Ebay, ban đầu thì có vẻ là NOS nhưng nếu xem xét kỹ thì sẽ thấy những điểm khác biệt. Nếu định mua trên Ebay thì tốt nhất là nên nghiên cứu thật kỹ.
References:
- seikowatches, The Seiko 5 Story : Why “http://thespringbar.com/wp-admin/post.php?post=1198&action=edit5”?, Article
- Indera Sadikin, SOLD: SEIKO Automatic Chronograph 6138-0049 “Brown Bullhead”, Blog post
- watchuseek user freemind1, Seiko 6138 Chronograph Reference Guide, Forum post 2015
- thewatchsite user Harry, Denmark, Diashock and Diafix, Forum post 2010
- watchuseek user Isthmus, HOW TO BUY A SEIKO 6138-0040/0049 “BULLHEAD” CHRONOGRAPH – A Collector’s Buying Guide, Forum post 2008
- kaskus user nikidasi, SEIKO Automatic Chronograph 6138 Series (Part 1 of 2), Forum post 2012
- seikobullhead, How to Buy a Seiko Bullhead, Blog post
- watchtalkforums user ulackfocus, Horology 101 – hand style names, Forum post 2009
- wikipedia, Tachymeter (watch), wiki 2016
- Felix Scholz, IN-DEPTH: Your Vintage Seiko Chronograph Buying Guide, Article
Giải thích một số điểm đánh dấu:
[1] column wheel: là một bộ phận trong đồng hồ mà mình không tìm thấy từ thay thế, công dụng để dừng / chạy kim giây trong chức năng bấm giây.
[2] precision: không tìm thấy từ tương đương trong tiếng việt, phải dịch thông qua Hán tự.
[3] Không rõ vì sao với thiết kế đấy thì lại đếm được 1/6 giây.
[4] Ở đoạn trên có viết là đây là đồng hồ lặn, nhưng vòng bezel lại không xoay được, WTF?
Comments